Nhận bàn giao nhà, người mua cần chú ý điều gì? Giai đoạn quý 3 và quý 4 đang là thời điểm then chốt có rất nhiều dự án bắt đầu bàn giao căn hộ. Với những bạn làm trong nghề hoặc có bạn bè người thân làm việc trong lĩnh vực xây dựng, nội thất thì chắc không phải nghĩ nhiều về vấn đề nhận bàn giao này.
Nhưng đa số các anh chị chúng ta đều lần đầu hoặc lần hai nhận bàn giao chung cư nên cũng không tránh khỏi những bỡ ngỡ cần mang gì và khi các bạn nhân viên bàn giao thì mình cần kiểm tra những hạng mục gì?
Nắm bắt được những câu hỏi thiết yếu, trong bài viết này đội ngũ kts MyHouse sẽ chia sẻ kinh nghiệm nhận bàn giao căn hộ thực tế rất nhiều lần cho khách hàng, những điểm quan trọng mà chủ nhà cần lưu ý để quá trình kiểm tra, nhận bàn giao nhà tốt nhất.
Xin mời mọi người cùng đón đọc!
A. Các vật dụng cần mang theo:
– Hợp đồng mua bán, phụ lục hợp đồng (*Lưu ý: Có bảng ghi chi tiết các loại thiết bị của chủ đầu tư khi bàn giao căn hộ)
– Bản vẽ mặt bằng có đủ kích thước (dài, rộng, cao)
– Tô vít nhỏ, bút thử điện hoặc đèn ngủ loại cắm trực tiếp được vào ổ cắm
– Xô hoặc chậu nhỏ để đựng nước
– Thước dây loại cứng, thước kẻ 30cm, bút bi
– Đèn pin hoặc điện thoại có chức năng đèn pin
– Ghế cao hoặc thang để đứng thăm trần (Kiểm tra nối ống thông gió nhà vệ sinh: một số chung cư khi thi công thợ đã quên không đấu nối ống này)
B. Các hạng mục cần kiểm tra:
Sau khi kiểm tra tổng thể bên trong căn hộ thì mọi người có thể tiến hành kiểm tra chi tiết theo những bước sau đây:
1. Đo và kiểm tra diện tích căn hộ theo bản vẽ
Đánh số 1 luôn vì là quan trọng nhất!
Khi nhận bàn giao rất nhiều trường hợp diện tích thực tế đã hụt 0.2m2 – 1m2 so với hợp đồng (bên địa chính với chủ đầu tư đã đo sẵn và nói rõ trong biên bản), và họ sẽ phải BÙ TIỀN lại, tuy nhiên cái này Mình đã xác nhận với BQL và bạn bàn giao là mình cứ ký Biên Bản Bàn Giao trước.
Nếu bạn gặp trường hợp trên thì tốt nhất hãy THUÊ BÊN THỨ 3 đến đo lại và kiến nghị sau (nên làm nhanh), SAU ĐÓ MỚI ĐẾN VĂN PHÒNG ĐỂ KÝ TẤT TOÁN và làm Sổ Đỏ sau.
Mọi người hết sức lưu ý vụ hụt diện tích!
2. Kiểm tra tất cả hệ thống điện
– Bật cầu dao tổng --> Bật aptomat đèn --> Bật tất cả công tắc đèn --> Kiểm tra, bật và tắt 3 lần liền
– Bật các aptomat còn lại: Dùng bút thử điện kiểm tra các ổ cắm, nghe tiếng quạt hút mùi nhà vệ sinh có ồn không?
– Mở hẳn nắp hộp cầu dao điện tổng kiểm tra đã có cầu nối tiếp địa chưa
– Kiểm tra công tắc điện có chỗ bị vênh, không khít hoặc dính 2 vào làm 1 – Bạn nên khắc phục luôn.
– Bật sẵn bình nóng lạnh, khoảng 15 phút sau kiểm tra xem có nước nóng hay không?
– Bật điều hòa khoảng 10 phút xem có lạnh/nóng không?
– Kiểm tra đầu chờ ống đồng điều hòa có được bịt kín chưa?
– Kiểm tra có đủ đầu chờ internet, truyền hình cáp ở phòng khách, phòng ngủ không
– Kiểm tra quạt hút mùi trong Toilet (Lưu ý: Rất nhiều trường hợp quạt hút mùi chỉ quay, không mạnh, không hút (Bạn có thể nhả hơi thuốc lá để thử).
– Dây cho bếp từ có tiếp địa chưa? Dây đủ to không? Aptomat đủ công suất không?
– Chủng loại thiết bị điện có giống với hồ sơ không?
Đây là một số checklist cơ bản. Bạn nên kiểm tra kỹ hơn trong điều kiện thực tế.
3. Hệ thống nước
– Cấp nước: kiểm tra vị trí van tổng, mở vòi và các đầu cấp nước, xả nước ở bồn vệ sinh – Kiểm tra xem lực nước chảy yếu hay mạnh, các vòi có bị rỉ nước hay không?
– Kiểm tra độ dốc của thoát nước của khu vệ sinh xem có đảm bảo (nhiều khi làm sai, nó không dốc đúng ga thu nước hoặc sàn lồi lõm bị đọng nước) – Bạn có thể đổ nước lên sàn để kiểm tra. (Chú ý khi bàn giao có thể không sẵn nước với công trình giao thô).
– Chống thấm: kiểm tra bằng mắt thường các vị trí như: chân tường Vệ sinh, logia, ban công, hộp kỹ thuật,… Xem có hiện tượng bị thấm không?
– Cự ly từ tường tới tâm lỗ thoát bồn cầu (Cái này phải tìm hiểu nếu nhận giao thô) Mỗi bồn cầu có cự ly tối thiểu. Nếu không là có thể không lắp nổi bồn cầu vì bị kích vào tường do sát quá.
4. Trang thiết bị khác
– Cửa chính và các cửa ngăn phòng: Đóng mở khóa thử, kiểm tra các thanh trượt, nẹp cửa, keo ở các khung cửa, cửa đóng có khít, khoá kẹt, cong vênh đâu không?
– Gạch: Gạch ốp chân tường và vệ sinh hay bị bong tróc, nứt hoặc vỡ không? Bạn nên dùng đèn pin để soi.
– Sàn gỗ: Dẫm chân (chân đất là tốt nhất) các phòng xem sàn gỗ có ộp ẹp hay không, có phồng chỗ nào không?
– Sơn tường: Kiểm tra bằng mắt thường xem có bị loang, sơn không đều hoặc bị văng giọt. Sau đó dùng băng dính để check lớp sơn có bong bở hay không?
– Trần: Quan sát bằng mắt thường xem có phẳng, nếu chủ đầu tư bàn giao là có trần thạch cao kiểm tra xem có đúng không?
– Lan can: Hãy kiểm tra độ chắc chắn.
– Thiết bị báo cháy: Có đủ đầu báo khói và đầu xả nước không?
– Kiểm tra qua nắp thăm trần nhà vệ sinh xem đầu hút mùi nhà vệ sinh có đấu nối chưa?
5. Phần nội thất bàn giao sẵn (Nếu có)
– Kiểm tra tủ bếp có đúng chất liệu? Nước sơn, độ hoàn thiện của gỗ? Thiết bị có đúng hãng quy định trong hợp đồng?
– Kiểm tra tủ áo các cánh tủ mở có dễ dàng, có bị lệch nhau hay không?
– Các ray trượt ngăn kéo xem có bị rỉ, trượt êm hay không?
– ….
Thông thường trong phụ lục của hợp đồng mua bán căn hộ sẽ có ghi chi tiết về các trang thiết bị bàn giao kèm theo căn hộ, chúng ta có thể dựa vào đó làm căn cứ chính khi nhận bàn giao.
*Lưu ý:
Thời gian bàn giao thường không nhiều tầm hơn 1 tiếng nên nếu có thể nên rủ thêm vài người cùng đi nhận bàn giao, mỗi người xem xét 1 khu vực để đảm bảo vừa nhanh vừa hiệu quả!
#1 Đơn giá hoàn thiện căn hộ chung cư & Bảng giá mới 2022
Kết luận:
Tất cả những chia sẻ trên đều là tôi viết mang tính chất chia sẻ vì lợi ích chung của tất cả các bên. Lỗi ít nhiều là không thể tránh khỏi, quan trọng là giải quyết và khắc phục ra sao thôi.
Những điều nêu trên thì 1 số hạng mục không thể biết trước được luôn, về nhận nhà và ở thì bạn cố gắng kiểm tra hết trước khi hết bảo hành nhé.
08/07/2020 – KTS Hồ Văn Việt