Nhu cầu nhà ở tăng cao, cùng với đó là nhu cầu xây dựng nhà ở cũng tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, nhiều người hiện nay còn chưa hiểu rõ thủ tục khi xin giấy cấp phép xây dựng. Hồ sơ xin giấy cấp phép xây dựng cần những gì? Lệ phí xin giấy cấp phép xây dựng là bao nhiêu? Và mất bao lâu để xin được giấy cấp phép xây dựng? Sau đây, My House sẽ gửi đến bạn những thông tin về hồ sơ xin phép xây dựng chi tiết và đầy đủ nhất để bạn đọc tham khảo!
Hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng đầy đủ nhất 2022
Hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng bao gồm giấy phép xây dựng mới; giấy phép xây dựng sửa chữa cải tạo và giấy phép xây dựng di dời công trình.
Vì tính chất khác nhau nên mỗi loại giấy phép lại có những điều lệ và thủ tục khác nhau. Vì vậy, bạn phải xác định mình cần loại giấy phép gì để trong quá trình chuẩn bị hồ sơ và thủ tục không bị sai sót.
Dưới đây, My House xin gửi đến bạn hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng nhà ở chi tiết để bạn đọc tham khảo.
Căn cứ Khoản 1 điều 95 Luật xây dựng 2014 quy định về hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng nhà ở như sau:
“a) Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng;
b) Bản sao một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;
c) Bản vẽ thiết kế xây dựng;
d) Đối với công trình xây dựng có công trình liền kề phải có bản cam kết bảo đảm an toàn đối với công trình liền kề.”
Theo đó, hồ sơ bao gồm:
– Một, đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng;
– Hai, bản sao những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất;
– Ba, bản vẽ thiết kế xây dựng;
– Bốn, đối với công trình xây dựng có công trình liền kề phải có bản cam kết của chủ đầu tư bảo đảm an toàn đối với công trình liền kề hoặc đối với công trình xây chen có tầng hầm, ngoài các tài liệu nêu trên thì hồ sơ còn phải bổ sung bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính văn bản chấp thuận biện pháp thi công móng của chủ đầu tư đảm bảo an toàn cho công trình và công trình lân cận (điều 11 Thông tư 15/2016/TT-BXD).
Trình tự, thủ tục nộp hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng
Bước 1: Nộp 01 hồ sơ tại UBND cấp huyện nơi chuẩn bị xây dựng nhà ở và muốn xin giấy phép xây dựng.
Bước 2: Bộ phận tiếp nhận hồ sơ kiểm tra hồ sơ, nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì yêu cầu người sử dụng đất bổ sung thêm giấy tờ, nếu hồ sơ đã đầy đủ thì viết giấy biên nhận và trao cho người sử dụng đất. Trường hợp cần phải xem xét thêm thì cơ quan cấp giấy phép xây dựng phải thông báo bằng văn bản cho người sử dụng đất biết lý do, đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý trực tiếp xem xét và chỉ đạo thực hiện.
Bước 3: Sau đó, người sử dụng đất tới nơi tiếp nhận hồ sơ theo thời gian ghi trong giấy biên nhận để nhận kết quả và nộp lệ phí theo quy định. Người sử dụng đất nhận giấy phép xây dựng kèm theo hồ sơ thiết kế có đóng dấu của cơ quan cấp giấy phép xây dựng hoặc văn bản trả lời (đối với trường hợp không đủ điều kiện để cấp giấy phép xây dựng).
Lệ phí xin giấy phép xây dựng
Mỗi tình thành khác nhau sẽ có mức lệ phí cấp phép xây dựng khác nhau. Dưới đây là bảng lệ phí giấy cấp phép xây dựng cụ thể:
- Đối tượng thu lệ phí
Đối tượng thu lệ phí cấp giấy phép xây dựng công trình xây dựng, bao gồm xây dựng mới, cải tạo, mở rộng, sửa chữa lớn, trùng tu, tôn tạo thuộc diện phải được cấp giấy phép xây dựng quy định tại khoản 1 Điều 89 Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/07/1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng; trừ các công trình được miễn lệ phí cấp giấy phép xây dựng sau đây:
a) Công trình do thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư và các công trình trực tiếp bảo vệ an ninh, quốc phòng.
b) Công trình thuộc dự án sử dụng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), công trình xây dựng trong khu công nghiệp tập trung và công trình thuộc dự án BOT.
c) Công trình thuộc dự án phát triển kết cấu hạ tầng, dự án phát triển đô thị mới, các dự án thành phần trong khu đô thị mới đã có thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán được duyệt theo đúng quy định của pháp luật.
d) Công trình thuộc dự án đầu tư nhóm B, C có quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền, thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán đã được phê duyệt sau khu có văn bản thẩm định của cơ quan chức năng quản lý xây dựng của cấp quyết định đầu tư hoặc Sở Xây dựng hoặc Sở có xây dựng chuyên ngành.
e) Công trình nhà ở của dân thuộc đối tượng được miễn cấp giấy phép xây dựng theo quy định tại khoản 3b Điều 39 Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/07/1999 của Chính phủ.
- Đối tượng nộp lệ phí
Đối tượng nộp lệ phí cấp giấy phép xây dựng là các chủ đầu tư các công trình thuộc đối tượng phải thu lệ phí cấp giấy phép xây dựng quy định tại điểm 1 mục này.
- Mức thu lệ phí
Mức thu lệ phí cấp giấy phép xây dựng được quy định như sau:
a) Mức thu lệ phí cấp giấy phép xây dựng đối với:
Nhà ở riêng lẻ của nhân dân (thuộc đối tượng phải có giấy phép): 50.000 (năm mươi nghìn) đồng/giấy phép;
Công trình khác: 100.000 (một trăm nghìn) đồng/giấy phép.
(Phí xây dựng nhà ở được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên kinh phí xây dựng nhà ở và không bao gồm chi phí thiết bị. Cụ thể, mức phí xây dựng nhà ở riêng lẻ được tính theo diện tích xây dựng nhưng tối đa không quá 35.000 đồng/m2. Cách tính này được áp dụng theo nguyên tắc giảm dần theo cấp nhà và mức thu áp dụng đối với nhà ở nông thôn thấp hơn nhà ở đô thị).
b) Mức thu gia hạn giấy phép xây dựng: 10.000 (mười nghìn) đồng.
* Chú ý: Mức thu phí cấp giấy phép xây dựng tại một số tỉnh thành có sự khác nhau. Cụ thể:
- Cấp mới đối với nhà ở riêng lẻ của nhân dân (thuộc đối tượng phải có giấy phép): Hà Nội = 75.000đ/giấy phép; TP. Hồ Chí Minh = 50.000đ/giấy phép; Đà Nẵng = 50.000đ/giấy phép; Hải Phòng = 50.000Đ/giấy phép; Nghệ An = 50.000Đ/giấy phép.
- Cấp mới đối với công trình khác): Hà Nội = 150.000đ/giấy phép; Hải Phòng = 100.000đ/giấy phép; Nghệ An = 150.000đ/giấy phép.
- Gia hạn giấy phép xây dựng): Hà Nội = 15.000đ/giấy phép; Hải Phòng = 10.000đ/giấy phép; Nghệ An = 10.000đ/giấy phép.
Xin giấy phép xây dựng mất bao lâu?
Thời gian xin giấy cấp phép xây dựng là điều mà những người có nhu cầu đều vô cùng quan tâm. Vậy thời gian chính xác xin giấy cấp phép xây dựng là bao lâu?
Theo Điều 102 Luật xây dựng 2014, Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải xem xét hồ sơ để cấp giấy phép trong thời gian 15 ngày đối với nhà ở riêng lẻ tại đô thị; 10 ngày làm việc đối với nhà ở nông thôn.
Trường hợp đến thời hạn cấp giấy phép nhưng cần phải xem xét thêm thì cơ quan cấp giấy phép xây dựng phải thông báo bằng văn bản cho chủ đầu tư biết lý do, đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý trực tiếp xem xét và chỉ đạo thực hiện, nhưng không được quá 10 ngày kể từ ngày hết hạn ( Điều 102 Luật xây dựng 2014).
Trên đây là những thông tin cụ thể về hồ sơ xin giấy cấp phép xây dựng, thủ tục, lệ phí và thời gian xin giấy cấp phép xây dựng chính xác, cụ thể mà My House tổng hợp để bạn đọc tham khảo. Hy vọng những thông tin bài viết cung cấp sẽ giúp bạn chuẩn bị cho mình cho mình một bộ hồ sơ đầy đủ và hoàn chỉnh nhất.
28/07/2020 – KTS Hồ Văn Việt